Bánh gai không chỉ là món đặc sản trứ danh được người dân trên khắp đất nước biết đến mà còn là niềm tự hào của người dân vùng Ninh Giang – Hải Dương.
Làng nghề làm bánh gai Hải Dương truyền thống – Ninh Giang
Cách thành phố Hải Dương khoảng 30 km, nằm bên dòng sông Luộc êm đềm, thị trấn Ninh Giang (huyện Ninh Giang, Hải Dương) nổi tiếng với nghề làm bánh gai truyền thống thơm ngon nhất.
Nghề làm bánh gai Hải Dương của vùng này bắt đầu từ rất lâu rồi, lâu từ bao giờ thì không thấy có tài liệu nào ghi chép lại cả. Ngày xưa, bánh gai rất hiếm, chỉ dùng trong ngày Tết hay đám giỗ, đám chạp. Ngày nay, bánh gai đã được làm quanh năm, trở thành đặc sản để du khách chọn làm quà khi đến Hải Dương.
Theo như thống kê, trên địa bàn huyện hiện có gần 100 cơ sở sản xuất bánh gai Hải Dương và lưu giữ những bí quyết, giá trị truyền thống được truyền qua bao đời. Dù bây giờ đã có nhiều loại bánh ngọt, bánh gato hay bánh quy ra đời nhưng dường như những chiếc bánh gai vẫn còn nguyên giá trị cao cả mà bình dị của nó.
Chiếc bánh gai Hải Dương “thơm ngon” trong từng công đoạn
Để mà làm ra được những chiếc bánh gai Hải Dương ngon, đạt tiêu chuẩn thì người thợ phải khéo léo, kỹ lưỡng và công phu trong từng công đoạn.
Đầu tiên là khâu chọn lá. Để bánh có mùi thơm đặc trưng và có độ dẻo dai thì người làm bánh phải đi “săn” từng chiếc là gai loại lá nếp và phải được trồng ở vùng châu thổ sông Hồng, ven các con đê gần cửa biển thuộc vùng nước lợ.
Lá gai được rửa sạch cho vào nồi ninh nhừ rồi phơi khô kiệt nước mới được cho vào máy xay thành bột.
Tiếp theo cũng quan trọng không kém là bột nếp. Bột nếp được xay ra từ những hạt gạo nếp cái hoa vàng, trắng dài, hạt mẩy.
Làm nhân bánh gai Hải Dương cũng công phu không kém. Mỡ cổ lợn được muối sao cho thật vừa miệng, không bị ngấy và vẫn còn độ giòn. Mỗi hạt sen phải mềm nhưng không được nát, còn nguyên vị. Đậu xanh luộc cho hạt tơi, vừa xốp lại vừa mịn mà vẫn giữ được màu vàng óng, vị bùi bùi và dậy mùi thơm.
Lớp lá chuối bọc bên ngoài cũng được lựa chọn kĩ lưỡng. Lá chuối gói bánh gai Ninh Giang Hải Dương chia thành hai loại riêng biệt. Nếu gói lớp trong cùng thì phải dùng lá chuối tây để khi hấp bánh sẽ có độ dẻo dai và có mùi thơm đặc trưng. Còn những lớp sau có thể sử dụng lá khô thông thưỡng vẫn được.
Có thể nói công đoạn làm bánh cần nhiều sự khéo léo và tỉ mỉ của người thợ nhất là gói bánh. Khi gói bánh phải tuân theo tỉ lệ 50 – 50 (vỏ bánh – nhân). Như vậy chiếc bánh gai sẽ hài hòa và bánh cùng nhân sẽ hào quyện vào nhau khi ăn, tạo nên một hương vị khó quên.
Bánh gai Hải Dương chính gốc, đặc biệt là vùng Ninh Giang dùng “chiêu thức bí truyền” đó là không luộc bánh mà hấp bánh. Việc hấp sẽ giúp cho bánh giữ được toàn vẹn hương vị nhất, không bị mất “chất” khi nằm trong nước luộc. Tùy theo số lượng bánh hoặc trọng lượng mà thời gian hấp sẽ khác nhau.
Bánh gai Hải Dương ngon đúng chuẩn phải đạt yêu cầu dẻo, dai, vỏ bánh đen mướt, nhân bánh thơm ngon và đặc biệt cả hai phải hòa quyện với nhau.
Bánh gai hiện nay đã phổ biến trên khắp đất nước Việt Nam, như một món quà dân dã của quê hương, như một món ăn chơi có thể làm tại nhà. Nhưng bánh gai Hải Dương vẫn giữ được nhiều hương vị đặc biệt hơn cả. Hàng năm, ở đây vẫn thu hút đông đảo khách du lịch trong và ngoài nước đến tham quan làng nghề làm bánh gai và thưởng thức món đặc sản nổi tiếng này.
Có thể bạn quan tâm:
More Stories
Top 15 món ăn vặt Hải Dương bạn không nên bỏ qua
Vải thiều Thanh Hà – loại trái cây trứ danh của mùa hè
Bún cá rô đồng Hải Dương – món ăn dân dã nhưng đậm tình quê hương