April 26, 2024

Đền Quan Lớn Tuần Tranh, chốn linh thiêng mang đậm nét đặc sắc văn hóa dân tộc.

Đến với Hải Dương, du khách sẽ không thể nào bỏ qua một địa danh văn hóa, di tích lịch sử vô cùng nổi tiếng gắn liền với nhiều huyền thoại li kì tại vùng đất này, đó là đền Quan Lớn Tuần Tranh, một ngôi đền cổ thờ vị thần sông nước cai quản khúc sông ở gần bến đò Tranh, thuộc xã Đồng Tâm, huyện Ninh Giang, tỉnh Hải Dương.

Đền Quan Lớn Tuần Tranh. ( Đền Tranh)
Đền Quan Lớn Tuần Tranh. ( Đền Tranh)

Lịch sử hình thành và phát triển

Tại vùng ngã ba sông Tranh giao với sông Luộc vào thời nhà Trần , nhân dân vùng này  đã lập ra một ngôi đền thờ vị thần cai quản khúc sông này. Ban đầu, ngôi đền chỉ là một ngôi miếu nhỏ nằm sát bến sông Tranh nên rất dễ bị ảnh hưởng bởi tác động của nước xoáy hoặc thủy triều  gây hư hại . Vì thế, đến năm 1935, người dân xây một đền thờ mới khang trang hơn tại làng Tranh Xuyên (nay thuộc thị trấn Ninh Giang), gọi là đền Tranh.Khoảng giữa những năm bốn mươi của thế kỉ X, ngôi đền được tôn tạo với quy mô lớn hơn. Kiến trúc đền theo kiểu “Trùng thiềm điệp ốc” với nhiều cung và gian thờ khác nhau. Vào năm 1946, đứng trước tình hình “dầu sôi lửa bỏng” cuộc chiến tranh dành độc lập dân tộc, thực hiện “tiêu thổ quân sự” nên một số phần của ngôi đền bị phá hủy. Năm 1954, đền Tranh được phục dựng lại để đáp ứng nhu cầu tín ngưỡng của nhân dân.

Sau đó, ngôi  đền được di dời về phía Bắc của thị trấn Ninh Giang, cách đền cũ khoảng 300 mét cũng chính là vị trí hiện tại. Công trình đền Quan Lớn Tuần Tranh hiện là một trong những công trình di tích văn hóa hoành tráng nhất tại Hải Dương với kinh phí xây dựng do nhân dân công đức.

Đền Tranh qua ba lần chuyển dời cùng nhiều lần trùng tu tôn tạo đã trở nên khang trang hơn. Ngôi đền qua bao thế kỉ đã chứng kiến nhiều  sự kiện lịch sử trọng đại, kinh qua bao thăng trầm đổi thay của vùng đất này. Cũng chính vì thế mà tích góp được nhiều nét đẹp xuyên thời gian của văn hóa Việt.

Truyền thuyết li kỳ xoay quanh đền Quan Lớn Tuần Tranh

Ngày xửa ngày xưa, ở vùng sông Chanh thuộc về tỉnh Đông có hai vợ chồng nọ, gia cảnh chẳng mấy khá giả, tuổi thì đã xế chiều nhưng vẫn chưa có được một mụn con. Họ hằng ngày cầu trời khấn phật mong có một đứa con để bớt cô quạnh lúc tuổi già.

Một ngày nắng to nọ, trên đường đi làm đồng về, hai vợ chồng chợt thấy một quả trứng to, nom xinh đẹp khác thường . Vì hiếu kì, người chồng cầm lên xem thử thấy không có gì lạ nên định vứt đi, nhưng người vợ đã ngăn lại, bảo chồng mang về nhà nuôi xem thử con gì, hơn nữa cho vui của vui nhà. Được ít lâu, quả trứng nở thành một con rắn trên đầu có một mảng màu đỏ rực rất đẹp. Người chồng thấy vậy định lấy gậy đập. Người vợ liền bảo: “Đừng đánh tội nghiệp. Cứ để mặc tôi, tôi nuôi chúng làm con”.

Từ đó, con rắn rất quấn quýt bên bố mẹ nuôi, mau ăn chóng lớn. Vào một ngày nọ, trong lúc quấn quít bên người bố nuôi lúc ông đang cuốc đất , vô tình con rắn bị một nhát cuốc bổ xuống làm đứt đuôi. Nó quằn quại, đau đớn. Bà vợ thấy thế kêu lên: “ Thương quá con ạ, mày cứ quẩn bên ông lão làm gì cho khổ thân”. Con long xà càng lớn càng đẹp, càng lộ rõ vẻ oai phong. Nó ăn rất khỏe nên thường bò vào chuồng gà các nhà hàng xóm tìm bắt gà con khiến hàng xóm láng giềng phiền não, thường xuyên mắng vốn bố mẹ nuôi, nhưng vì thương con, đôi vợ chồng già cố gắng nhẫn nhịn. Tuy nhiên, nhận thấy đứa con nuôi không thể nào tiếp tục trộm gà các nhà lân cận mãi được, vợ chồng ông thì nghèo, không có đủ tiền để mua gà cho con ăn mỗi ngày nên một hôm người chồng bảo vợ: “Hay thế này, con nay cũng đã lớn, ta đem thả nó xuống sông cho nó tự kiếm ăn chứ vợ chồng mình không có đủ điều kiện nuôi nó, cứ thế này mãi thì có ngày mang vạ ”. Nói rồi, hai vợ chồng bèn mang con rắn ra bờ sông thả xuống và nói: Con hãy ở đây tự kiếm thứ nuôi thân, có nhớ thì ghé thăm bố mẹ, bố mẹ tuy thương nhưng không đủ sức nuôi con nữa! Con rắn vừa được thả xuống nước, sóng gió nổi lên ầm ầm, các loài thủy tộc ở các nơi tụ vệ tạo thành một vùng xoáy nước lớn ngay giữa lòng sông. Hai vợ chồng già lấy làm kinh ngạc. Đêm đó, con long xà về báo mộng là nó đã được vua Thủy Tề cho cai quản khu vực sông Tranh.

Sau khi nhận sắc phong của vua Thủy Tề, được vua Thủy Tềgiao quyền thống lĩnh thuỷ quân trấn giữ miền duyên hải sông Tranh, ông đã lập được nhiều công lao to lớn. Nhân dân trong vùng gọi ông là Quan Lớn Tuần Tranh. Sau này lập đền thờ gọi là Đền Quan Lớn Tuần Tranh.

Ban thờ Quan Lớn Tuần Tranh.
Ban thờ Quan Lớn Tuần Tranh tại Đền Tranh ở Ninh Giang, Hải Dương.

Quan Lớn Tuần Tranh có cảm tình với một người thiếu nữ xinh đẹp là vợ lẽ của quan huyện. Viên quan huyện kia biết chuyện, kiện ông. Quan huyện kia được sự giúp đỡ của Bạch Long hầu đã đưa vụ kiện ông cướp vợ đến Thủy cung. Vua Thủy Tề tức giận mà phán quyết đày ông đi đến một nơi thật xa. Ngày ông bị giải đi đày, một vùng sông tranh náo động.  Tuy vậy, vào những đêm trăng sáng, người dân vùng này vẫn truyền tai nhau rằng họ thỉnh thoảng vẫn nhìn thấy một chàng tháng sĩ dung mạo khôi ngôi bước lên từ dòng sông được cho là hình bóng của Quan Lơn tuần tranh ….

Ở miền Bắc, những chuyện li kì về Quan lớn tuần Tranh có rất nhiều dị bản, phần nhiều dưới dạng truyền thuyết, mở đầu bởi tình tiết rắn được một cặp vợ chồng già nhận nuôi. Vùng Lạng Sơn còn có nhiều dị bản, truyền thuyết khác về ông. Tuy dị bản nhiều vô kể do ảnh hưởng của địa phương, song những câu chuyện về Quan Lớn Tuần Tranh đều xoay quanh một vị quan thanh liêm, văn võ song toàn, có công với dân với nước, được nhân dân tin yêu, phụng thờ.

>> Xem thêm:

Nét đẹp văn hóa thể hiện qua lễ hội tại đền Quan Lớn Tuần Tranh

Dân gian truyền tụng rằng ngôi đền từ xưa đến nay rất linh thiên, Thục Phán An Dương Vương cũng đã từng cầu thắng tại nơi này. Vậy cho nên, khi mở hội, du khách thập phương đặc biệt là các tỉnh Hà Nội, Hải Phòng, Nam Định vv… về trẩy hội khá đông. Lễ hội được mở từ ngày 25/2 âm lịch (hiện nay là 14/2 âm lịch). Đặc sắc nhâts ở lễ hội này là vào ngày mở hội du khách sẽ có cơ hội được chứng kiến những ông đồng bà đồng “xiên lình” qua má để tỏ phép lạ của con người khi linh ứng nhập.

Nghi thức hầu đồng tại lễ hội Quan Lớn Tuần Tranh
Nghi thức hầu đồng tại lễ hội Quan Lớn Tuần Tranh.

Một năm ở đền Tranh có ba mùa lễ hội: hội tháng 2 (từ ngày 10 đến ngày 20 / 2), trọng hội vào ngày 14 – ngày sinh của quan lớn Tuần Tranh, đây là hội chính hằng năm. Hội tháng 5  (từ ngày 20 đến ngày 26 / 5), trọng hội vào này 25 – ngày hoá của Đức thánh.

Lễ hội ở đền Tranh có quy mô lớn và thu hút được đông đảo du khách nhiều tỉnh phía Bắc. Đây là một trong những hội lớn của Hải Dương, mang đậm nét đặc sắc về văn hóa dân tộc và tín ngưỡng dân gian với những nội dung vô cùng hấp dẫn. Không chỉ vào những ngày lễ hội mà ngày thường vẫn có khách lui tới lễ đền và cũng không thể thiếu những tiết mục hát chầu văn độc đáo.

Không chỉ vào những ngày lễ hội mà ngày thường vẫn có khách lui tới lễ đền.
Không chỉ vào những ngày lễ hội mà ngày thường vẫn có khách lui tới lễ đền.

Nửa thế kỳ trôi qua, vùng đất linh thiêng này đã trải qua rất nhiều biến động, trải qua thăng trầm hai cuộc chiến tranh giành độc lập dân tộc, như một chứng tích hào hùng, thiêng liêng của lịch sử. Đền Tranh vẫn sừng sững, uy nghiêm nhờ bàn tay tôn tạo của nhân dân, những người luôn cố gắng giữ gìn, duy trì và phát huy những nét đẹp về văn hóa, lịch sử, tín ngưỡng của dân tộc Việt Nam.

Đến với đền Quan Lớn Tuần Tranh, du khách sẽ có cơ hội được đắm chìm vào một không gian văn hóa mang đậm bản sắc dân tộc với các nghi thức và lễ hội quen thuộc ở đồng bằng Bắc Bộ. Bên cạnh đó, du khách còn được tham quan kiến trúc độc đáo của một ngôi đền cổ kính in hằn dấu vết của thời gian, khám phá những thần tích được lưu truyền rộng rãi trong dân gian về sự xuất hiện của ngôi đền linh thiên này, tất cả góp phần làm nên nét độc đáo và hấp dẫn của khu di tích đền Quan Lớn Tuần Tranh nói riêng và du lịch Hải Dương nói chung.